Từ công xưởng của thế giới là Trung Quốc, linh kiện, phụ tùng phục vụ lắp ráp ôtô tỏa đi các nhà máy sản xuất xe hơi ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., kể cả Việt Nam. Vì vậy, khi sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu đã thiếu hụt.
Nhiều hãng xe đóng cửa
Truyền thông thế giới một tháng qua không ngừng đưa tin việc các doanh nghiệp (DN) sản xuất xe hơi tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô bởi tác động từ dịch Covid-19. Hãng sản xuất xe hơi Đức Volkswagen mới đây xác nhận đã đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do lo ngại về dịch bệnh và thiếu phụ tùng sản xuất. Nhiều hãng xe khác như BMW, Daimler, Toyota, Honda, Nissan, Ford, GM, Tesla tại Trung Quốc cũng tạm ngưng sản xuất từ tháng 2 vừa qua.
Hình 1. Tình hình dịch bệnh rất căng thẳng
Tại Hàn Quốc, Hyundai buộc phải đóng cửa các nhà máy lắp ráp ôtô do thiếu nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc. Nhà sản xuất ôtô SsangYong Motor của Midtier Hàn Quốc (thuộc sở hữu của tập đoàn Ấn Độ Mahindra & Mahindra), hãng xe Renault của Pháp tạm ngừng vận hành nhà máy ở Hàn Quốc với chung lý do thiếu linh kiện. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản - nơi có những hãng xe nổi tiếng thế giới.
Từ đại công xưởng Trung Quốc, linh kiện, phụ tùng tỏa đi các nhà máy sản xuất xe hơi trên thế giới. Riêng Mỹ đã nhập tới 25% tổng số linh kiện, phụ tùng mà Trung Quốc xuất khẩu mỗi năm. Ngoài ra, 10% linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc được chuyển đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức mỗi nước nhập khoảng 5%. Riêng năm 2018, theo thống kê, Mỹ nhập linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc với trị giá khoảng 11 tỉ USD, Nhật Bản nhập khoảng 3,2 tỉ USD…
Chưa kể, nhiều công ty của Mỹ còn thường xuyên nhập khẩu phụ tùng ôtô có nguồn gốc Trung Quốc theo hình thức gián tiếp thông qua một số nước như Nhật Bản, Mexico. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu linh phụ kiện đầu vào từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc cũng khó khăn bởi cùng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh hoặc có xu hướng thận trọng trong giao thương hàng hóa vì lo ngại dịch bệnh. Bởi vậy, nguồn cung linh kiện ở những chuỗi cung ứng được hình thành xung quanh các tập đoàn đa quốc gia đều khá căng thẳng.
Hình 2. Doanh nghiệp nội lo xoay sở kinh doanh
DN nội lo xoay xở
Dẫu vậy, trao đổi với chúng tôi, đại diện Toyota Việt Nam (TMV) tự tin cho biết việc nhập khẩu linh kiện cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Song, TMV đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để đưa ra các phương án phù hợp, cố gắng tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. "TMV chưa có kế hoạch thay đổi chiến lược bán hàng trong thời gian tới, đồng thời đã chủ động lên phương án bảo đảm an toàn cho nhân viên cũng như duy trì hoạt động" - đại diện TMV nói.
Theo đại diện Mercedes - Benz Việt Nam (MBV), để phục vụ lắp ráp xe trong nước, MBV phải nhập khẩu bộ linh kiện từ Đức. Tuy vẫn sản xuất hết công suất bởi chưa bị thiếu linh kiện, phụ tùng nhưng hãng xe này tỏ ra lo lắng tình hình dịch bệnh sẽ khiến khách hàng e ngại ra ngoài mua sắm, dẫn đến cầu giảm, kéo theo giá xe cũng như doanh số bán hàng có thể giảm.
Đại diện một DN cho hay chỉ còn nguồn phụ tùng tồn kho đủ để sản xuất cầm chừng trong gần một tháng tới. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn cung tiếp tục bị ảnh hưởng, DN buộc phải tạm dừng sản xuất một phần và nhiều kế hoạch kinh doanh khác cũng sẽ bị lùi vô thời hạn.
Ở góc nhìn tổng thể, cơ quan quản lý nhà nước khẳng định đến đầu tháng 4-2020, các DN sẽ thiếu hụt nguồn linh kiện sản xuất dù tại thời điểm này, một số nhà sản xuất vẫn cho biết họ chưa bị tác động do dịch bệnh. Bởi vì năm 2019, trong gần 4 tỉ USD linh kiện, phụ tùng nhập khẩu về nước, có tới gần 18% từ Trung Quốc, gần 29% từ Hàn Quốc. Riêng với ôtô tải, hơn 70% linh kiện, phụ tùng nhập từ Trung Quốc.
"Kể cả những quốc gia lớn có tỉ lệ nội địa hóa rất cao thì cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng vì chỉ một linh kiện rất nhỏ không nhập được thì toàn bộ quy trình sản xuất bị ngừng lại. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, với ngành sản xuất ôtô, không dễ dàng tìm nguồn cung thay thế trong ngắn hạn do đặc thù về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt phù hợp với tiêu chuẩn của từng công ty" - ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, nhận định.
Ông Hoài chia sẻ thêm rằng không phải DN nào cũng sẵn lòng thông tin cụ thể về tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện, phụ tùng vì nhiều lý do nhạy cảm. "Nói có thể tìm nguồn cung thay thế là chưa đúng. Tình hình hiện nay là không có lối thoát và dường như không còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi diễn biến tiếp theo bởi yếu tố khó lường nhất là không biết dịch bệnh sẽ kéo dài đến lúc nào" - ông Hoài nói.
<Copy Theo Người lao động>